VINH QUANG ĐỨC MARIA
Phạm Duy Lễ chuyển ngữ MARIA CỨU NHÂN ĐỘ THẾ Vinh quang Đức Mẹ Maria là vinh quang Chúa Giêsu Khẩn cầu các thánh và nhất là khẩn cầu Mẹ Đồng Trinh Maria là Nữ Vương các thánh, không những là một việc rất nên làm, mà lại là một việc rất ích lợi và thánh thiện nữa. Đó là một chân lý đức tin, một chân lý mà phàm những người lạc giáo dám chối bỏ, coi như là nhục mạ Chúa Giêsu Kitô, Đấng Trung gian duy nhất của ta – thảy đều bị các Công đồng lên án. Nếu một ngôn sứ Giêrêmia, sau khi đã từ trần, từng cầu nguyện cho thành Giêrusalem (2 Mcb 15, 14); nếu các vị cố lão trong sách Khải huyền từng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện của các người lành (Kh 5, 8); nếu một thánh Phêrô từng hứa sau khi qua đời sẽ cầu nguyện cho môn đệ (2 Pr 1, 15); nếu một thánh Têphanô đã từng cầu cho kẻ bách hại mình (Cv 7, 59), và một thánh Phaolô từng cầu nguyện cho các bạn đồng hành trên đường truyền giáo cũng như cho các giáo hữu (Cv 27, 24); tắt rằng, nếu các thánh còn cầu nguyện cho chúng ta được, thì tại sao chúng ta lại không có thể nài xin các thánh cầu bầu cho chúng ta? Thánh Phaolô đã từng xin các môn đệ cầu nguyện cho mình (1 Tx 5, 25); thánh Giacôbê cũng từng khuyến khích chúng ta cầu nguyện cho nhau để được giải thoát (Gc 5, 16), thì về phía chúng ta, chúng ta cũng có quyền xin các thánh cầu nguyện cho chúng ta. Chỉ có Chúa Giêsu mới là Trung gian công lý duy nhất của chúng ta, và chỉ có Ngài mới đã lập công giao hòa chúng ta với Thiên Chúa: ai dám chối cãi điều ấy? Nhưng, trái lại, chối cãi việc Thiên Chúa vui lòng ban mọi ơn Người cho ta nhờ lời cầu nguyện của các thánh, và nhất là của Mẹ Maria, Mẹ Người, Người Mẹ mà Chúa Giêsu Kitô từng ước ao được thấy chúng ta yêu mến và tôn kính, - thì đó là sản phẩm của một chủ trương vô đạo. Ai chẳng biết vinh dự ban cho các bà mẹ cũng là ban cho con các bà? Thánh Kinh nói: Cha mẹ là vinh quang của con cái (Cn 17, 6). Không, thánh Bênađô quả quyết, chủ tâm ca tụng Mẹ Maria không thể là làm phai mờ vinh quang của Chúa Giêsu là Con Mẹ được, vì “càng tôn kính Mẹ thì càng ca tụng Con”. Thánh Iđêphong viết: “Tất cả những vinh dự ta dâng về Mẹ, đều là dâng lên Con, và tất cả những niềm kính tôn ta tặng dâng Nữ Vương trên trời, cũng là tặng dâng Vua chí thánh”. Vì ta chân nhận rằng: chính là nhờ công trạng Chúa Giêsu Kitô lập, Mẹ Maria mới được tặng trao quyền tối cao, làm Mẹ trở nên Đấng trung gian giải thoát chúng ta, một vị trung gian không thuộc bình diện công lý, nhưng thuộc bình diện ân sủng và can thiệp. Đó chính là tước hiệu mà thánh Bonaventura dâng kính Mẹ: “Maria là Nữ Trung gian trung hậu giải thoát ta”. Thánh Lôrensô Giúttinianô cũng cao lời: “Có lẽ nào Người đã được Chúa đặt làm thang mây lên trời, làm cửa thiên đàng, làm trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại, lại không là người đầy ơn phúc được?” Một chủ trương phổ quát Theo những lẽ trên, cha Suarez nhận định đúng lý rằng: “Nếu chúng ta cầu xin Đức Mẹ để Chúa ban ơn xuống thì không phải là chúng ta khinh thị tình Chúa xót thương, mà đúng hơn là vì chúng ta không dám ỷ vào sự bất xứng riêng mình. Chúng ta xin Mẹ Maria cầu bầu, để phẩm chức của Mẹ bổ khuyết cho cảnh cùng quẫn của chúng ta”. Cho nên, chạy đến kêu cầu Mẹ Maria can thiệp, là một việc rất hữu ích, rất thánh thiện, hoài nghi điều đó tức là chối bỏ đức tin. Nhưng điểm quan thiết chúng tôi muốn nhấn mạnh là chúng ta rất cần phải có Mẹ Maria cầu bầu để được cứu rỗi. Chúng tôi nói cần thiết, nhưng không phải là một cần thiết tuyệt đối (necessitas absoluta) mà chỉ là một cần thiết tinh thần (necessitas moralis). Và chúng tôi cũng nói ngay rằng sự cần thiết này chỉ là do ý muốn của Thiên Chúa, một ý muốn đã định không một ân sủng nào được ban xuống cho loài người mà không qua tay Mẹ Maria, như thánh Bênađô đã chủ trương. Ta có thể cùng với tác giả cuốn Triều đại Mẹ Maria (Règne de Marie) mà nói rất đúng rằng đó chính là chủ trương phổ quát các nhà thần học và các vị tiến sĩ ngày nay từng nắm giữ. Các cha Vega, Mendoza, Paciucchelli, Segneri, Craset, Poiré và đông đảo các văn gia lỗi lạc của Giáo hội cũng từng thừa nhận như thế. Cả đến cha Nôen Alêxanđê, một tác giả rất nghiêm cẩn khi trình bày vấn đề, cũng quả quyết rằng Thiên Chúa muốn chúng ta phải cầu mong Người ban xuống mọi ơn qua sự can thiệp của Đức Mẹ Maria. Sau đây là lời Cha: “Chúa muốn chúng ta hi vọng từ tâm Ngài ban cho mọi ơn lành, nhưng với điều kiện là chúng ta phải đến xin Đức Nữ Trinh Maria đem quyền cầu bầu toàn năng của Mẹ mà can thiệp cho ta trước đã, mới hợp với chương trình Chúa thiết định”. Cha viện chứng cho chủ trương của Cha bằng câu nói thời danh của thánh Bênađô sau đây: “Thánh ý Chúa là muốn chúng ta nhận được mọi ơn qua Mẹ Maria”. Đó cũng là chủ trương của cha Contenson. Bình giảng lời Chúa Giêsu từ trên thánh giá nói với thánh Gioan: Ecce Mater tua, Mẹ con đây, Cha diễn giải thế này: “Lời Chúa nói đó có nghĩa là: chẳng ai được dự phần vào giá máu Thầy đã trào đổ, nếu không nhờ trung gian của Mẹ Thầy. Thật vậy, thương tích của Thầy là nguyên ủy của hết mọi ân sủng, nhưng những dòng suối ân sủng đó chỉ tuôn chảy xuống các linh hồn qua kênh dẫn Maria; Gioan, môn đệ Thầy ơi, Thầy sẽ yêu dấu con mãi bao lâu con còn yêu mến Mẹ Thầy”. Thương xác với một tác giả hiện đại Vấn đề mọi ơn lành chúng ta được Chúa ban đều qua bàn tay Mẹ Maria đây đã không hợp thị hiếu một tác giả hiện đại1. Sau khi bàn giải kỹ lưỡng một cách khoa học và sùng mộ thế nào là sùng kính thật, thế nào là sùng kính giả, tác giả đó đã tỏ ra quá hẹp hòi khi bàn đến lòng sùng kính Mẹ Thiên Chúa. Ông chối bỏ, không chịu nhận Mẹ Maria có đặc ân vinh hiển mà một thánh Germanô, một thánh Anselmô, một thánh Gioan Đamát, một thánh Bênađinô, đức viện phụ đan viện Celles và biết bao nhà tiến sĩ khác đã dễ dàng tuyên nhận. Không một ai trong các vị trên đã ngần ngại căn cứ vào cùng một lý do đã nói trên mà đề cao chủ trương sự can thiệp của Mẹ Maria không những lợi ích cho chúng ta, mà còn cần thiết nữa. Tác giả đó cho rằng chủ trương như vậy – vấn đề Chúa không ban xuống ơn nào nếu không qua trung gian Mẹ Maria – chỉ có thể là một kiểu nói khoa trương, một cách phóng đại sản ra do lòng sốt sắng của một vài vị thánh. Hơn nữa, ông thêm, nếu hiểu cho đúng kiểu mấy vị thánh đó diễn tả, thì chủ trương đó chỉ có nghĩa đơn giản là Đức Maria đã sinh Chúa Giêsu cho chúng ta, nhờ công trạng Chúa lập, chúng ta lĩnh nhận được mọi ơn khác. Rồi ông kết luận: nếu hiểu khác đi rằng Chúa chỉ ban các ơn Người xuống khi người ta đã cầu xin Đức Maria, là người ta đã rơi vào lầm lạc; vậy, cùng với thánh Phaolô (1 Tm 2, 5), chúng ta chỉ công nhận có một Thiên Chúa duy nhất, và một Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại, ấy là Chúa Giêsu Kitô. Đó, những tư tưởng của tác giả trình bày là như thế. Nhưng tôi xin phép căn cứ vào chính điều tác giả đã giảng trong sách của ông mà trả lời rằng: trung gian công lý nhờ lập công trạng thì khác, mà trung gian ân sủng nhờ lời cầu xin thì khác. Và nói Chúa không thể thì khác, mà Chúa không muốn ban ơn Người cho chúng ta nếu không nhờ Mẹ Maria can thiệp thì khác. Nên về phía chúng tôi, chúng tôi tuyên xưng rằng Thiên Chúa là nguyên ủy mọi ơn lành, là Chủ tuyệt đối ban mọi ân sủng, còn Đức Mẹ Maria chỉ là một thụ tạo thuần túy, từng mắc nợ về mọi ơn lòng nhân từ Thiên Chúa ban cho Mẹ. Nhưng thật là thích hợp và đúng lý biết bao khi ta quả quyết Chúa muốn nhờ tay Mẹ Maria, nhờ trung gian của Mẹ, mà ban xuống hết mọi công nghiệp Cứu Chuộc, và Chúa thi hành như thế chỉ cốt để làm vinh quang thụ tạo trác tuyệt mà Chúa đã tuyển lựa làm Mẹ của Con Chúa, Cứu Chúa của chúng ta, Đấng suốt đời đã tôn trọng và mến yêu Mẹ hơn toàn thể các thụ tạo hợp một đã tôn yêu Mẹ; ai có thể không công nhận điều ấy? Căn cứ vào điều chúng tôi đã phân biệt trên kia, chúng tôi cũng lại tuyên xưng rằng: Chúa Giêsu là Trung gian ân sủng, và nếu Mẹ có quyền xin được ơn, là nhờ công nghiệp Chúa Giêsu Kitô đã lập; và nhờ lời cầu xin nhân danh Chúa Giêsu Kitô, hết mọi ân sủng chúng ta xin đều được ban xuống qua sự cầu bầu của Mẹ, cũng là điều chẳng kém xác thực vậy. Trong vấn đề này, nhất định không có gì trái ngược với lời Giáo hội giảng dạy, mà lại hoàn toàn thích hợp với chủ trương và tâm tình của Giáo hội. Thật vậy, trong các kinh nguyện công cộng đã được công nhận, Giáo hội đã dạy chúng ta luôn luôn chạy đến cùng Mẹ Thiên Chúa, và cầu khẩn Mẹ là Mẹ cứu kẻ liệt kẻ khốn, Mẹ bầu chữa kẻ có tội, Mẹ phù hộ các giáo hữu, là sự sống, là hi vọng của chúng ta. Trong kinh Nhật tụng đọc trong các lễ kính Đức Mẹ, Giáo hội cũng áp dụng vào Mẹ những lời sách Huấn Ca mà giảng giải tinh tường cho ta hiểu rằng: Trong Mẹ có toàn thể hi vọng cứu sống và sức mạnh; phải tìm mọi ân sủng nơi Mẹ Maria: Trong Mẹ có hết mọi ân sủng dẫn đạo và chân lý (Hc 24, 25). Tắt rằng, chúng ta phải đến tìm nơi Mẹ Maria sự sống và sự giải thoát đời đời: Ai tìm được Mẹ là tìm được sự sống và kín múc được ơn giải thoát trong Chúa (Cn 8, 35). Và, ai làm sáng tỏ Mẹ sẽ không phạm tội, lại được sống đời đời (Hc 24, 30). Tất cả những lời ấy đều nói về sự cần thiết phải có Mẹ Maria can thiệp. Chúng tôi kiên quyết công nhận chủ trương của chúng tôi, nhờ uy tín một số rất lớn các nhà thần học và các thánh Giáo phụ đã từng thừa nhận. Vì không thể nói như tác giả tôi đã nói trên kia mà xác thực được rằng để tôn vinh Mẹ Maria, các vị đã nói theo kiểu khoa trương, rằng chủ trương đó sản ra do những cách phóng đại đẹp mã. Khoa trương và phóng đại là đi ra ngoài cương giới sự thật, không thể áp dụng vào cho các thánh được. Các thánh bao giờ cũng được hướng dẫn do Thánh Linh Thiên Chúa, một Thánh Linh chân lý kia mà. Một kênh dẫn ân sủng Ở đây, tôi lại xin mạn phép lạc đề một đoạn ngắn nữa, để trình bày quan điểm của riêng tôi về vấn đề này. Một ý kiến tự nó có thể tôn vinh vinh dự của Mẹ Đồng Trinh cách này hay cách khác, lại có một nền tảng thừa nhận được, không có gì trái ngược với đức tin, với các sắc lệnh của Giáo hội, với chân lý; một ý kiến như thế mà không chịu nhận, hay hơn nữa, lại còn bài bác lấy lẽ rằng có thể có một ý kiến đối lập cũng là thật, thì đó là tỏ ra ít có lòng tôn sùng Mẹ Thiên Chúa lắm. Phần tôi, tôi không chịu liệt danh vào số những trí óc bủn xỉn đó, và tôi cũng cầu mong bạn đọc đừng lạc vào bọn họ. Chúng ta hãy đứng về phe những người hoàn toàn và kiên quyết tin tưởng hết thảy những điều có thể làm vinh hiển Mẹ Maria mà không sợ sai lầm. Theo cha Rupertô, hoàn toàn và kiên quyết tin vào tất cả những cao quang của Mẹ là một cách tôn kính trác tuyệt nhất chúng ta có thể dâng kính Mẹ Đồng Trinh. Hơn nữa, để chúng ta khỏi e ngại là đi quá xa trong việc ca tụng Mẹ, chúng ta hãy ỷ vào uy tín của thánh Âutinh là đủ. Ngài từng quả quyết rằng tất cả những gì ta có thể dâng lên ca tụng Mẹ Maria, có sánh với chức phẩm Mẹ Thiên Chúa của Mẹ, vẫn còn là ít oi lắm. Chúng ta lại còn dựa cả vào uy tín của chính Giáo hội, vì Giáo hội đã truyền cho chúng ta ca ngợi Mẹ trong kinh Nhật tụng rằng: “Lạy Mẹ Đồng Trinh vinh hiển, Mẹ thật hạnh phúc và rất đáng mọi người ca tụng”. Nhưng xin trở lại đề tài chúng ta đang bàn để xem các thánh đã nhận thức như thế nào. Theo thánh Bênađô, Chúa đã trào đổ xuống Mẹ Maria tràn đầy hết mọi ân sủng, để loài người đến nơi Mẹ mà lĩnh nhận hết mọi ơn lành Chúa ban cho họ, như qua một kênh dẫn. Thánh nhân quả quyết: “Mẹ là một thủy đạo lúc nào cũng tràn bờ, để mọi người đến múc lấy ơn phúc trong sự tràn đầy của Mẹ”. Ngài còn để lại một suy niệm quan trọng về vấn đề này. Theo lời ngài, nếu trước khi Mẹ Maria nhập thế cục, chẳng có ai trên đời khám phá ra được những nhiệm lưu ân sủng đó, chính là vì chưa có Mẹ Maria là một thủy đạo chân phúc dư đầy. Ngài thêm: “Và, Mẹ Maria đã được ban cho thế giới chính là cốt để qua Mẹ, như qua một đường kênh, các ân sủng và ân tứ trời cao được liên tục từ Chúa trào xuống cho nhân loại”. Tướng Hôlôphernê ngày trước, muốn chiếm đóng thành Bêtulia, đã truyền cắt đứt các thủy đạo dẫn nước vào thành (Gdt 7, 6-11). Quỉ dữ cũng động viên toàn lực để tiêu hủy lòng tôn sùng Mẹ Thiên Chúa trong các linh hồn; vì một khi đường dẫn ân sủng này đã bị cắt đứt trong linh hồn nào, thì quỉ sẽ thành công trong việc chiếm đoạt linh hồn đó một cách dễ dàng. Thánh Bênađô lại tiếp: “Anh em giáo hữu thân mến, xin anh em tìm hiểu xem chừng nào Chúa muốn anh em tin tưởng luôn luôn chạy đến xin Mẹ Maria phù trì, để tỏ hết tình yêu mến, hết dạ tôn sùng kính tôn Nữ Vương chúng ta, vì Chúa đã đặt toàn thể kho tàng sung mãn hết mọi ân sủng nơi Mẹ, để, từ nay, chúng ta phải đến lĩnh nhận từ tay Mẹ bất cứ ơn nào chúng ta hi vọng, bất cứ ơn nào thuộc ân sủng hay bất cứ ơn nào liên quan đến sự cứu thoát chúng ta”. Phải rồi, phàm bất cứ tình thương nào Chúa ban xuống cho loài người bất cứ lúc nào, đều qua trung gian Mẹ Maria. Vì quan điểm đó mà người ta thường sánh Mẹ với trăng. Thánh Bonaventura viết: “Như trăng làm trung gian giữa trái đất và mặt trời, rót ánh sáng nhận được từ mặt trời xuống trái đất, thì Mẹ Maria cũng làm trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại, lĩnh nhận hết mọi nguồn mạch ân sủng trời cao để trào đổ xuống cho chúng ta ở cõi đời”. Cũng vì quan điểm đó mà Giáo hội xưng tụng Mẹ là Cửa Thiên Đàng. Như bất cứ sắc lệnh ân xá nào của một hoàng đế đều được tuyên chiếu nơi cửa đền, thì cũng không có ân sủng nào từ trời ban xuống đất mà không qua tay Mẹ Maria. Đó là lời giải thích của thánh Bênađô,và đây là giải thích của thánh Bonaventura: “Chúng ta xưng tụng Mẹ Maria là cửa thiên đàng, vì chẳng có ai vào được thiên đàng mà không qua Mẹ là cửa nước Trời”. Một trung gian cần thiết Chúng tôi lại kiên quyết chủ trì quan điểm của chúng tôi nhờ uy tín thánh Giêrônimô, hoặc, theo ý kiến một ít người, nhờ uy tín của một văn gia cổ nhân, tác giả một bài giảng được in gồm trong tác phẩm của thánh tiến sĩ. Trong bài đó, ta còn đọc thấy những lời này: “Trong Chúa Giêsu, ân sủng dư đầy như trong đầu, để từ đó phát nguyên; còn trong Mẹ Maria, thì ân sủng sung mãn như trong cổ, dẫn lộ ban phát ra”. Ý nghĩa câu trên là Chúa Giêsu choán gồm sung mãn mọi ân sủng, và chúng ta, những chi thể của Chúa, chúng ta phải đến lĩnh nhận từ Chúa mọi sức sống, tức là những cứu trợ chí linh cần thiết để được sống đời đời. Nhưng Mẹ Maria thì choán gồm mọi ân sủng như cổ gồm chứa sức sống để thông lưu mọi phần chi thể. Tư tưởng đó cũng là của thánh Bênađinô Siêna; thánh nhân còn giảng rõ ràng hơn nữa rằng: “Nhờ Mẹ Maria điều hành, hết mọi ân sủng của đời sống thiêng liêng phát nguyên từ Chúa là đầu, đã chan hòa đổ xuống trên các tín hữu là nhiệm thể Chúa”. Thánh Bonaventura cũng luận lý như sau: “Thiên Chúa đã đoái đến cư ngụ trong lòng Mẹ Đồng Trinh chân phúc, nên tôi không ngại quả quyết rằng từ đó, Mẹ đã thu dụng một quyền lợi trên toàn thể các ân sủng, vì từ cõi lòng trinh vẹn của Mẹ, như từ một đại dương thiên quốc, hết mọi dòng sông ân tứ đã phát nguyên cùng với Chúa Giêsu”. Thánh Bênađinô Siêna còn trình bày tư tưởng trên bằng những lời văn trang trọng và quả quyết hơn nữa, ngài viết: “Từ ngày Mẹ Đồng Trinh phôi dựng Ngôi Lời Thiên Chúa, Mẹ đã được sử dụng toàn quyền tài phán đối với tất cả những cuộc nhiệm sinh của Thánh Linh nơi trần gian – nghĩa là hết mọi linh ân Thánh Linh thông ban cho loài người – đến nỗi từ ngày đó, không một ai được Chúa ban ân sủng, mà lại không phải đến lĩnh nhận qua trung gian và qua bàn tay của Mẹ Maria, Người Mẹ nhân từ âu yếm của chúng ta”. Cũng theo cùng một chiều hướng vấn đề chúng ta đang theo dõi, một tác giả đã chú giảng một câu trong sách tiên tri Giêrêmia, lúc nhà tiên tri nói đến mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, đã tiên báo một nữ nhân sẽ vòng quanh Thiên Chúa làm Người (Gr 31, 22). Tác giả đó viết: “Như một đường thẳng kéo từ tâm một vòng tròn không thể ra miền ngoài vòng tròn được, nếu không cắt đường tròn, thì cũng không thể có ân sủng nào phát xuất từ Chúa Giêsu, tâm điểm mọi ơn lành, đến với chúng ta được mà không qua Mẹ Maria, Người đã thực sự vòng quanh Con Thiên Chúa mọi chiều, khi thụ thai trong lòng Mẹ”. Căn cứ vào những lẽ trên, thánh Bênađinô Siêna kết luận: “Tất cả mọi ơn trời, tất cả mọi nhân đức cũng như tất cả mọi ân sủng đều do tay Mẹ Maria ban phát, phát cho ai, phát lúc nào, phát thế nào, tùy ý Mẹ cả”. Và cha Risa cũng làm dội lại lời thánh nhân: “Trong tất cả các ơn lành ban cho thụ tạo, Chúa không muốn một ơn nào được ban ra mà không qua tay Mẹ Maria”. Thế nên, đức viện phụ đáng kính đan viện Celles khuyến khích mọi người chúng ta chạy đến cùng Đấng mà ngài xưng tụng là “Quản Thủ kho trời ân sủng”. Ngài kêu gọi: Đến đi, anh em, đến với Mẹ Đồng Trinh vinh phúc, vì phải nhờ Mẹ làm trung gian, thế giới và toàn thể nhân loại mới thấy các nguyện vọng của mình đựơc thực hiện, khi giơ tay lĩnh nhận ơn lành. Điều đó thực quá rõ ràng. Khi quả quyết rằng hết mọi ân sủng chỉ trào xuống chúng ta qua Mẹ Maria, các thánh và các tác giả, mà chúng tôi hân hạnh được viện chứng, hẳn đã chỉ chú ý nói rằng: chúng ta đã nhờ Mẹ Maria mà được Chúa Giêsu là nguyên ủy mọi ơn lành, như tác giả chúng tôi đã nói trên kia chủ trương, nhưng các ngài cũng lại quả quyết rằng: ban Chúa Giêsu cho chúng ta rồi, Thiên Chúa còn muốn phàm bất cứ ân sủng nào đã, đang và sẽ được ban ra cho đến tận thế nhờ công trạng Chúa Cứu Thế lập, đều phải được ban ra hết thảy nhờ Mẹ Maria can thiệp và ban phát. Chủ trương của Giáo hội Cùng với cha Suarez, chúng tôi kết luận rằng: “Chủ trương phổ quát của Giáo hội ngày nay là: sự can thiệp của Mẹ Maria không những hữu ích mà lại cần thiết cho chúng ta nữa”. Tôi xin nói lại: cần thiết nhưng không phải là cần thiết tuyệt đối, vì chỉ có Trung gian của Chúa Giêsu mới có đặc tính đó, mà chỉ là một cần thiết tinh thần, vì theo tư tưởng của thánh Bênađô mà Giáo hội nhận làm của mình: “Thiên Chúa không muốn ban cho chúng ta ơn nào mà không qua tay Mẹ Maria”. Trước thánh Bênađô khá lâu, thánh Iđêphong cũng đã từng quả quyết điều đó, khi ngài than thở với Mẹ Maria rằng: “Ôi Maria, Chúa đã muốn đặt vào tay Mẹ tất cả những ân tứ Chúa định trao ban cho loài người. Bởi đó, Chúa đã phú thác cho Mẹ hết mọi báu tàng, cũng như hết mọi nguồn ân sủng”. Thánh Phêrô Đamianô cũng thêm: “Nếu Chúa không muốn mặc xác nhân loại khi Mẹ Maria chưa đồng ý, thì trước là để hết thảy chúng ta phải nhờ Mẹ mới được hưởng dự ân huệ bao la Cứu Chuộc, và sau là để chúng ta hiểu rõ: mọi người được giải thoát đều là tùy ở Mẹ Maria”. Tiên tri Isaia đã gọi ngày đản nhật của Mẹ Maria là một chồi hoa, và ngày giáng sinh của Ngôi Lời nhập thể là một bông hoa nở ra từ chồi ấy: Một chồi cây sẽ mọc lên từ gốc Giétxê, và một bông hoa sẽ nở ra từ chồi ấy; Thánh Linh sẽ đến an nghỉ trên hoa (Is 11, 1). Suy niệm những lời tuyệt diệu trên, thánh Bonaventura cảm hứng kêu gọi: “Nào những ai ước vọng được linh ân Chúa Thánh Thần, hãy đến tìm bông hoa nở trên chồi hoa này, ấy là Chúa Giêsu trên Đức Mẹ, vì ta phải qua chồi hoa mới tới được hoa, phải qua hoa mới tới được Thiên Chúa”. Thánh nhân lại thêm: “Bạn ước ao chiếm hữu đóa hoa này ư? Nào, bạn hãy cầu xin để chờ hoa lả ngọn về bạn, thì bạn sẽ hái được hoa”. Ngài còn giảng giải thêm nữa rằng: “Ngày xưa ba đạo vương đã gặp Chúa Giêsu bên Mẹ Maria, thì ngày nay cũng sẽ không ai có thể tìm thấy Chúa nếu không tìm nơi Mẹ Maria. Đòi tìm Chúa Giêsu, mà lại không tìm nơi Mẹ và nhờ Mẹ, thì chỉ là uổng công dã tràng xe cát”. Vì thế, thánh Iđêphong tâm niệm: “Tôi muốn làm môn đệ Chúa Giêsu, và vì không ai có thể trở thành môn đệ Chúa mà lại không là tôi tớ của Mẹ Maria, nên tôi nguyện sẽ phụng ái Mẹ son sắt một niềm”. Không bao giờ tôi bỏ Cha Vinhsơn Bôviô3 và Cêxarê4 thuật truyện một thanh niên quí phái, sau khi xài phí hết di sản khổng lồ cha chàng để lại, cùng quẫn quá, đến nỗi phải đi hành khất để nuôi mình. Nhưng để bớt xấu hổ, chàng quyết định bỏ quê hương đi sống một đời vô danh ở đất khách quê người. Trên đường tha phương cầu thực, một hôm chàng gặp một gia nhân cũ của cha chàng. Người này thấy chàng ủ ê vì nghèo khổ, khuyên chàng can đảm lên. Hắn hứa sẽ giới thiệu chàng với một ông hoàng rất giầu có và quảng đại, không những ông sẽ cứu chàng khỏi khổ, mà còn không để cho chàng thiếu thốn gì nữa. Tên gia nhân cũ đó, thật ra, chỉ là một kẻ nham hiểm, mê theo những tà thuật của môn phù thủy. Thế là một hôm, hắn mời chàng thanh niên quí phái đi theo hắn. Hắn dẫn chàng qua một khu rừng, tới một bờ hồ. Ở đó, tên phù thủy thì thầm nói truyện với một người vô hình khác. Chàng thanh niên hỏi hắn nói truyện với ai đó, thì hắn đáp: - Với đức linh quỉ. Rồi hắn lại rì rầm nói truyện, không hề sợ hãi: - Lạy ngài, chàng thanh niên này đã bị rơi vào một cảnh cùng quẫn rất mực, y muốn lại được giầu có như xưa. Quỉ trả lời: - Nếu nó phục tùng ta, ta sẽ cho nó phú quí hơn trước, nhưng trước hết, nó phải chối bỏ Chúa mới được. Chàng thanh niên bạc phước sợ hãi lùi lại, nhưng tên phù thủy khốn nạn nài nẵng thiết tha. Nể lời, chàng ta quyết định chối Chúa. Quỉ tiếp thêm: - Thế cũng chưa đủ, nó còn phải chối bỏ Đức Nữ Maria nữa, vì ta biết rằng chính Đức Nữ đó làm ta thiệt hại hơn hết. Biết bao linh hồn đã vào tay ta, mà Người còn cứu được đem về cho Chúa, làm chúng được rỗi linh hồn! Chàng thanh niên kêu lên: - Trời! phải thế nữa? Không bao giờ tôi chịu bỏ Đức Mẹ là Mẹ tôi. Tôi thà ăn mày suốt đời còn hơn, vì Mẹ Maria là tất cả niềm trông cậy của tôi mà! Nói rồi chàng chạy thẳng. Trên đường về, chàng gặp một nhà thờ dâng kính Đức Mẹ. Chàng vào kính viếng. Trong cơn khốn cực quẫn bách đó, chàng quì gối trước ảnh Đức Mẹ, khóc lóc thảm thiết van nài Mẹ xin ơn thứ tha tội lỗi cho mình. Đức Mẹ liền cầu xin Con Người cho chàng cực khổ đó. Trước, Chúa Giêsu còn phàn nàn vì chàng đã bội bạc chối bỏ Chúa, nhưng Đức Mẹ lại khẩn khoản nài xin. Thấy thế, Chúa nói: - Ôi Mẹ yêu dấu, không bao giờ con từ chối Mẹ điều gì. Con tha cho nó, vì Mẹ đã xin như vậy. Lúc đó, người đã mua lại gia tài của chàng trai phung phá kia, cũng đang ở trong nhà thờ và được dự khán quang cảnh lạ lùng đó. Chứng kiến tình thương của Đức Mẹ đối với người trai tội lỗi này, ông gả ái nữ của ông cho chàng và lập chàng làm thừa kế. Thế là nhờ Đức Mẹ, không những chàng lại được ơn nghĩa cùng Chúa, mà còn được cả của cải đời tạm này nữa. Mẹ chỉ nghe tiếng từ tâm Hồn tôi ơi, hãy niệm suy cho kỹ xem Chúa đã từng soi cho hồn thấy Người dủ tình thương cho hồn được thiết tha tin tưởng vào Mẹ Maria phù hộ, để nuôi trong hồn một hi vọng biết bao tươi đẹp chắc được giải thoát và sống vĩnh cửu, sau biết bao lần hồn chiều theo tội lỗi mà làm mất ân sủng và đợi chờ hỏa ngục. Hãy tạ ơn Chúa và ghi ơn Mẹ đã phù trì kéo hồn vào ẩn nương dưới áo Mẹ, ban cho hồn hằng hà sa số là ơn thiêng, đảm bảo cho hồn được mãi mãi ẩn nương trong đó. Vâng, lạy Mẹ nhân lành từ ái, con cảm tạ Mẹ vì đã trào chất trên con muôn ơn Mẹ, cả trong khi con bỏ Chúa mà theo hỏa ngục. Lạy Nữ Vương, Mẹ đã cứu con bao lần thoát hiểm! Mẹ đã xin Chúa ban cho con biết bao ánh sáng và tình thương! Mà con, con đã làm gì cho Mẹ, con đã dâng hết niềm tôn kính Mẹ chưa, mà Mẹ cứ lưu tâm làm ơn cho con như vậy? Mẹ chỉ nghe theo tiếng gọi của từ tâm Mẹ. Ôi! giá con hiến dâng hết cả tâm huyết và mạng sống con vì Mẹ đi nữa, thì cũng chẳng là gì sánh với biết bao bổn phận con phải chu toàn đối với Mẹ. Mẹ đã cứu con khỏi chết đời đời, đã tìm lại ơn Chúa cho con như lòng con trông cậy; tắt rằng, con mắc nợ Mẹ tất cả. Lạy Nữ Vương rất đáng mến của con, nghèo ngặt như con thì mọi việc con có thể làm, để ca tụng Mẹ, chỉ là lúc nào cũng mến yêu Mẹ. Mẹ đừng chê bỏ lòng kính tôn của một kẻ tội lỗi đáng thương, nhưng say mê lòng nhân từ của Mẹ như con. Nếu lòng con không đáng mến yêu Mẹ vì đầy vết nhơ lưu luyến trần tục, thì Mẹ sẽ cải tạo nó. Xin Mẹ cải tạo lòng con đi. Xin buộc con lại với Chúa, buộc chặt lại để không bao giờ con rời xa tình yêu Người nữa. Mẹ chỉ đòi con phải yêu mến Chúa, mà con cũng chỉ xin Mẹ ban cho con được ơn ấy. Thì xin Mẹ cho con được yêu mến Chúa, yêu mến Chúa, yêu mến Chúa đời đời. Đó là hi vọng độc nhất của lòng con. Amen. Đức Mẹ đồng công với Chúa Giêsu Theo thánh Bênađô, một người nam và một người nữ đã cùng chung tay làm giống nòi điêu đổ, thì cũng một Người Nam và một Người Nữ chung tay trùng tu giống nòi, là thích hợp lắm vậy. Người Nam và Người Nữ đã tu sửa giống nòi chúng ta đây là Chúa Giêsu Kitô và Đức Mẹ Maria. Đành rằng, chỉ một mình Chúa Giêsu đã quá dư đủ để cứu chuộc chúng ta, nhưng, thánh tiến sĩ nói, “vì một người nam, một người nữ đã cùng chung công hủy hoại, thì cũng phải có một Người Nam, một người Nữ đồng công cứu chuộc mới thật là mười phần hợp lẽ”. Thánh Anbêtô Cả xưng tụng Maria là người phụ lực, là đấng đồng công trong việc Cứu Chuộc. Đức Nữ Trinh cao cả cũng đích thân nói với thánh nữ Brigita: “Ađam Evà đã thuận vợ thuận chồng bán rẻ thế giới với giá một quả táo; thì Con Mẹ và Mẹ cũng đã chuộc lại thế giới bằng cùng một trái tim, một tấm lòng duy nhất”. Thánh Anselmô thêm: ‘Thiên Chúa đã có thể từ hư vô sáng tạo thế giới, nhưng khi thế giới đã vì lỗi phạm mà sụp đổ điêu tàn, thì Thiên Chúa lại không tái thiết thế giới khi không có Maria cộng tác”. Theo lối giải thích của cha Suarez, Mẹ Maria đã cộng tác vào việc cứu chuộc chúng ta bằng ba cách. Thứ nhất: bằng các nhân đức của Mẹ, các nhân đức đã làm Mẹ xứng đáng chịu thai Ngôi Lời Nhập Thể, do một công trạng tương hợp. Thứ hai: do lòng Mẹ ân cần không ngừng cầu xin cho chúng ta khi còn tại thế. Thứ ba: do hi sinh Mẹ tự tình đem hết tâm hồn đại lượng hiến tế Con Mẹ cho Thiên Chúa để cứu thoát chúng ta. Và chính vì Maria đã đồng công cứu chuộc toàn thể nhân loại với tấm lòng yêu thương chúng ta, và ước ao vinh danh Thiên Chúa nhường ấy, nên Chúa đã quyết định sẽ không ai được giải thoát nếu không nhờ Mẹ can thiệp cầu bầu. Cha Bênađinô Busti viết: “Ta xưng tụng Mẹ Đồng Trinh là Đấng Đồng Công vào công cuộc thánh hóa chúng ta, vì Thiên Chúa đã phú trao cho Mẹ hết mọi ân sủng Người muốn ban cho chúng ta”. Nhận định như thế, nên thánh Bênađô tung hô Mẹ là trung gian phổ quát cứu thoát loài người, trung gian mà toàn thể nhân loại trong mọi thời đại, quá khứ, hiện tại cũng như tương lai, đều phải ngước nhìn. Ngài viết: “Tất cả mọi người từng đã sống ở những thời kỳ xa xưa trước, tất cả mọi người hiện đang sống đồng thời với chúng ta hiện tại, và tất cả mọi người sắp tới trong những dòng đời tương lai, tất cả, tất cả, và tất cả đều phải ngước nhìn Mẹ, như nhìn về trung tâm, về tuyệt đỉnh của mọi thời gian”. Mẹ Maria ở đâu, Chúa Giêsu ở đấy Chúa đã từng nói: Chẳng ai đến với Ta được, nếu Cha Ta không lôi cuốn họ (Ga 6, 44). Theo cha Risa, quyền lực mà Chúa tuyên dương là ân sủng của Cha chí thánh đó, Chúa cũng tuyên dương là những lời cầu của Mẹ: “Chẳng ai đến với Ta được, nếu Mẹ Ta không cầu xin để lôi cuốn họ”. Chúa Giêsu là hoa quả của Mẹ Maria, như thánh nữ Isave đã ca tụng: Em có phúc xuất chúng trong hàng phụ nữ, và hoa quả của lòng em là một hoa quả phúc đầy (Lc 1, 42). Muốn hái quả, phải tìm cây. Nên ai muốn tìm Chúa Giêsu, phải tìm Mẹ Maria, và tìm được Maria là thế nào cũng tìm được Giêsu. Thấy Đức Nữ Trinh vinh hiển đến thăm viếng mình, thánh nữ Isave không biết tỏ dạ tri ân thế nào được, đã phải ngượng nghịu kêu lên: Phúc đâu tôi được Mẹ Chúa hạ cố đến cùng tôi thế này? (Lc 1, 43). Nói thế, Isave lại chẳng tỏ ra không biết rằng: không những Mẹ Maria hạ cố tới nhà mình, mà lại có cả Chúa Giêsu nữa đó ư? Nếu biết, sao thánh nữ lại không tỏ ra kinh ngạc vì được Chúa Giêsu tới viếng, mà lại chỉ tuyên nhận mình không đáng Mẹ Maria đến thăm? A! phải rồi, thánh nữ hiểu rất đúng rằng: đến đâu Mẹ Maria cũng đem Chúa Giêsu theo đến đấy, nên chỉ cần tỏ lòng tri ân Mẹ mà không cần tạ ơn Con, cũng là đủ rồi vậy. Thánh Kinh viết về một phụ nữ anh thư rằng: Bà đã trở thành một thương thuyền chở lương thực từ phương xa về (Cn 31, 14). Mẹ Maria chính là chiếc thuyền hạnh phúc, vượt vời từ trời xuống đất, chở theo Chúa Giêsu Kitô là lương thực hằng sống, từ nước trời xuống nuôi chúng ta trong sự sống đời đời, đúng như lời Chúa từng tuyên bố: Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này sẽ được sống vô cùng (Ga 6, 51). Cha Risa nêu lên nhận định này: “Trên mặt biển trần gian, những ai không đáp chuyến tầu này, nghĩa là không được Mẹ Maria bảo vệ, nhất định bị trầm đắm. Cho nên mỗi lần chúng ta thấy mình bị xô giạt hiểm nguy, chới với dưới lớp cuồng lan cám dỗ và dục tình của cuộc đời, chúng ta hãy chạy đến kêu cầu Mẹ Maria: Mau lên, Mẹ ơi, cứu vớt chúng con với, chúng con chết mất”. Đến đây, chúng tôi lại mở một dấu ngoặc để góp thêm ý kiến với tác giả đã nói ở tiết trên kia. Cha Risa quả quyết bảo chúng ta hãy kêu lên với Đức Maria: Cứu chúng con với, chết mất. Nhưng tác giả đó lại e ngại, không muốn cho ai kêu xin cùng Mẹ Đồng Trinh rằng: Cứu chúng con, vì, theo ông, chỉ có Thiên Chúa mới có thể cứu vớt chúng ta. Tôi xin đặt một câu hỏi: một người bị án tử hình còn có thể kêu cầu cùng một vị sủng thần của nhà vua, xin ông can thiệp với hoàng đế để cứu sống mình, thì sao chúng ta lại không được quyền kêu cứu Mẹ Maria, xin Mẹ cứu thoát chúng ta, ban cho chúng ta được ân sủng, được sống vĩnh cửu trên trời? Thánh Gioan Đamát đã chẳng thấy trở ngại chút nào khi thân thưa với Đức Mẹ: “Lạy Nữ Vương vô nhiễm, tinh tuyền, xin cứu vớt con, xin giải thoát con khỏi án chết đời đời”. Và thánh Bonavenrura thì van vỉ: “Ôi Đấng giải cứu mọi người kêu đến Mẹ, xin cứu thoát con!”. Giáo hội cũng công nhận cho ta đựơc gọi Mẹ là Mẹ cứu kẻ liệt kẻ khốn. Thế chúng ta vịn cớ gì mà lại ngại ngùng cầu xin Mẹ cứu vớt chúng ta, trong khi chỉ có một mình Mẹ đã khai đạo cho chúng ta con đường tiến vào trời, và trong khi bên tai chúng ta còn văng vẳng lời thánh Germanô, một vị thánh cao niên đáng kính, đã nói với Mẹ: “Chỉ nhờ Mẹ, người ta mới được giải thoát”. Một định đề quan trọng Nhưng thôi, chúng tôi xin mời bạn đọc cùng chúng tôi đọc qua một ít lời khác các thánh đã nói, để nghiệm xem sự can thiệp của Mẹ Maria cần thiết cho chúng ta chừng nào. Thánh Gêatan, một vị thánh thời danh, viết: “Không có Mẹ Maria cầu bầu, chúng ta vẫn có thể xin Chúa ban ơn, nhưng sẽ không bao giờ chúng ta được ban ơn nào cả”. Thánh Âutinh cũng xác nhận điều đó bằng câu nói tuyệt tác: “Cầu nguyện mà không có Mẹ Maria hướng dẫn, là không có cánh mà muốn bay”. Đọc sách Sáng Thế, truyện Giuse, ta thấy sau khi đặt Giuse làm tể tướng Ai-cập: Trẫm cho khanh có quyền trên toàn thể Ai-cập (St 41, 41), hoàng đế Pharaon đã nói với những người đến xin lương thực nhà vua: Cứ đến Giuse mà xin, vì theo giáo thuyết của thánh Bênađô, Chúa đã quyết định chỉ ban ân huệ xuống cho loài người qua tay Mẹ Maria. Cha Risa nhận xét: “Sự sống chúng ta ở trong tay Mẹ Maria: người kitô hữu chúng ta rất có đủ lý để nói như người Ai-cập ngày trước nói với Giuse rằng: “Sự sống chúng tôi ở trong tay ngài” (St 47, 25). Cha đáng kính Idiota cũng nói tương tự: “Mẹ Maria nắm giữ sự sống chúng ta trong tay Mẹ”. Cha Casianô còn hùng hồn hơn nữa: “Tất cả sự sống nhân loại chứa đựng trong ân sủng và cứu ân của Mẹ Maria”. Nói thế lại chẳng là quả quyết một cách tuyệt đối rằng không ai được cứu rỗi, nếu không được Maria bênh vực hộ phù đó ư? Vậy xin nêu định đề này: ai được Maria hộ phù, người đó được cứu rỗi; ai không được Maria bênh vực, người đó hư mất. Thánh Bênađinô Siêna thưa cùng Mẹ: “âÔi Đấng ban phát mọi ân sủng, sự sống chúng con ở trong tay Mẹ”. Thế cũng là như thưa cùng Mẹ rằng: Lạy Nữ Vương quyền thế, Mẹ là người thi ân bá sủng, chúng con chỉ được giải thoát nhờ tay Mẹ, vậy chúng con được sống, được giải cứu cũng là do Mẹ. Thế nên, cha Risa vẫn có lý khi nói: linh hồn chúng ta, một khi thiếu ơn hộ phù của Maria, sẽ tuần tự rơi vào tội lỗi, rồi rơi vào hỏa ngục, y như một hòn đá rơi vào vực thẳm khi không gặp được mặt đất ngăn lại. Thánh Bonaventura cũng chủ trương cùng lý luận đó: “Không có Maria, Thiên Chúa sẽ không giải cứu chúng ta”. Giảng tư tưởng đó rõ hơn, ngài thêm: “Một hài nhi không có nhũ mẫu không thể sống được, thì không có Mẹ Maria chúng ta cũng không đời nào được cứu sống”. Rồi thánh nhân khuyến khích chúng ta để kết luận: “Bạn hãy nhiệt tâm tôn sùng Mẹ Maria, hãy cố kết với Mẹ nhân từ, đừng rời xa Mẹ, đợi ngày Mẹ từ ái chúc lành cho bạn trên quê phúc trường sinh”. A! không có Mẹ Maria thì có ai nhận biết Chúa bao giờ? Có ai được cứu rỗi? Có ai thoát được những nguy họa trên đời? Có ai tiếp nhận được ân sủng? Thánh Germanô mạnh dạn trả lời: “Lạy Nữ Trinh chí thánh, không ai nhận biết được Thiên Chúa, nếu Mẹ không sáng soi; lạy Trinh Mẫu Chúa Giêsu, không ai thoát khỏi họa đời, nếu Mẹ không che chở; và lạy Đấng đầy ơn phúc, không ai được một ân sủng nào, nếu Mẹ không ban phát...” Thánh nhân còn nói thêm: “Nếu Mẹ không mở cho chúng con con đường sống, thì chẳng ai trấn áp được mè nheo của thể xác, chẳng ai ghét bỏ được tội lỗi và chẳng ai giũ sạch được bụi tục để sống thành một con người tinh thần”. Chúng ta đến được với Cha hằng hữu nhờ trung gian duy nhất của Chúa Giêsu; thánh Bênađô nhân câu đó quả quyết rằng: chúng ta đến được bên Chúa Giêsu qua trung gian duy nhất của Mẹ Maria. Vì lý do nào Chúa lại định phải có Maria can thiệp, chúng ta hết thảy mới được cứu vớt? Nêu câu hỏi đó rồi, thánh Bênađô lại trả lời: Vì bàn tay Mẹ đã trao ban Chúa Cứu Thế cho chúng ta, thì cũng phải bàn tay Mẹ mới là bàn tay dâng hiến chúng ta lên Chúa Cứu Thế. Và thánh nhân xưng tụng Maria là Mẹ sinh ân sủng và ơn cứu rỗi chúng ta: “Ôi Mẹ Quản thủ kho trời ân sủng và là Mẹ giải cứu chúng con, nhờ Mẹ, chúng con mới tới được Con Mẹ. Con Mẹ đã ban mình cho chúng con qua Mẹ, cũng sẽ đón nhận chúng con từ tay Mẹ”. Thánh Germanô nối lời: “A! hỡi Maria là sự sống kitô hữu, nếu Mẹ bỏ rơi chúng con, thì chúng con sẽ ra sao, chúng con còn biết cậy vào ai để được giải thoát!” Giải đáp một vấn nạn Nhưng, tác giả mà chúng tôi đã nói trên kia lại đối lời, nếu hết mọi ân sủng đều phải qua tay Đức Maria cả, thì thành ra chúng ta muốn xin gì cùng các thánh, các thánh lại phải đến xin Đức Maria cầu bầu cho mới được. Một quan niệm như thế không những chẳng ai có thể tin được, mà lại chẳng ai dám tưởng tượng ra nữa. Trước hết, tôi xin trả lời rằng cứ tin hẳn như thế cũng chẳng hại gì. Có ai cho là trái tai khi nghe nói câu này không: Để tôn kính Mẹ mình, Thiên Chúa đã tôn phong Mẹ làm Nữ Vương các thánh; và vì Chúa muốn hết mọi ân sủng ban ra đều phải qua tay Mẹ Người, thì Người cũng muốn cả các thánh cũng phải đến kêu xin Mẹ, để xin ơn cho những người các ngài phù hộ cho! Còn chủ trì rằng không ai dám tưởng tượng ra điều đó, thì quả là lầm. Vấn đề này, tôi đã tìm ra rõ ràng trong tác phẩm của thánh Bênađô, thánh Anselmô, thánh Bonaventura, cũng như trong các tác phẩm của cha Suarez, và nhiều tác giả khác. Thánh Bênađô viết: “Cầu xin các thánh ơn nào mà Mẹ Maria không can thiệp cho, cũng là cầu mất công”. Một tác giả cũng nương theo nghĩa đó mà giảng thích lời thánh vương Đavít sau đây: Hết mọi nhà hào phú trong nước đều cầu khẩn trước nhan Người (Tv 44, 13). Theo tác giả đó, thì các nhà hào phú trong nước Chúa tức là các thánh. Khi các thánh muốn xin ơn nào cho thân chủ mình, thảy đều đến xin Mẹ Maria ban cho. Nói đúng ra, chúng ta chỉ cầu xin các thánh để các ngài can thiệp cho chúng ta nơi Mẹ Maria là Nữ Vương, là Bà Chủ các ngài. Cha Suarez viết: “Chúng ta không có lệ nhờ vị thánh này làm trung gian cho chúng ta nơi vị thánh kia, vì giữa mối đoàn viên huynh đệ, các thánh đều bình quyền. Nhưng chúng ta lại có lệ xin một vị thánh can thiệp cho chúng ta nơi Mẹ Maria, là Chủ tối cao, là Nữ vương toàn thể các thánh”. Đó chính là ý nghĩa lời thánh Bênêđitô hứa với thánh nữ Phanxica Rômana. Theo cha Marchése thuật lại, một lần thánh nhân hiện ra với thánh nữ, nhận bảo trợ cho và hứa sẽ làm trạng sư biện hộ cho thánh nữ nơi Mẹ Thiên Chúa. Đó cũng là lời đã thành nên giáo huấn của thánh Anselmô khi ngài thưa lên với Mẹ Đồng Trinh rằng: “Lạy Mẹ tôn nghiêm, ân huệ mà toàn thể các thánh chung lời cầu khẩn mới xin được, thì Mẹ, Mẹ chẳng cần có các đấng ấy chung lời, Mẹ cũng xin được bằng chỉ một lời của Mẹ”. Thánh nhân lại tiếp: “Nhưng vì đâu lại chỉ có một mình Mẹ được một uy thế lớn lao như vậy? Vâng, con hiểu rồi, vì chỉ có một mình Mẹ là Mẹ Đấng Cứu Chuộc chung của hết thảy chúng con. Chỉ có một mình Mẹ là Hiền Thê của Chúa, chỉ có một mình Mẹ là Nữ Vương khắp cả đất trời. Nếu Mẹ không nói lời nào can thiệp cho chúng con, thì cũng chẳng một vị thánh nào cầu bầu hộ giúp chúng con nữa. Nhưng Mẹ chỉ hơi ngỏ ý, là tất cả các thánh đều vội vã cầu xin Chúa và mau mắn đến cứu trợ chúng con”. Mẹ đã độc hành quanh vòm trời (Hc 24, 8). Cha Sênhêri đã theo lối Giáo hội áp dụng lời sách Huấn ca đó vào Rất Thánh Đồng Trinh, và nêu nhận xét rằng: “Như đệ nhất tinh cầu đã vạch đường chuyển động cho tất cả các tinh cầu khác, thì Mẹ Maria, khi khởi công biện hộ cho một tôi con nào của Mẹ, toàn thể thiên đàng cũng theo hiệu lệnh của Mẹ mà hoạt động nguyện cầu”. “Hơn nữa, thánh Bonaventura thêm, khi Đức Nữ Trinh tiến về ngai tòa Thiên Chúa can thiệp biện hộ cho ta, thì Mẹ cũng lấy tư cách và uy thế của một vị Nữ Vương mà ra lệnh cho các thánh tháp tùng và chung lời cầu xin với Mẹ, để xin Chúa dủ lòng thương đến chúng ta”. Tất cả những điều trên cho ta hiểu ra lẽ tại sao Giáo hội từng truyền chúng ta phải cầu xin Mẹ Thiên Chúa, và kính chào Mẹ bằng một tước hiệu cao cả là hi vọng của chúng ta: Kính chào hi vọng của chúng con. Lutêrô, ông tổ lạc giáo, không chịu cho Giáo hội Rôma xưng tụng Đức Maria, một thụ tạo thuần túy, là hi vọng, là sự sống chúng ta. Vì, ông nói, chỉ có Thiên Chúa và Chúa Giêsu, với tư cách Đấng Trung gian, mới là hi vọng của chúng ta thôi; còn như đối với thụ tạo, thì Chúa nguyền rủa kẻ nào đặt hi vọng vào nó, theo lời thánh tiên tri: Vô phúc cho người tin tưởng nơi loài người (Gr 17, 5). Nhưng cho Lutêrô muốn nói sao thì nói, Giáo hội vẫn cứ dạy chúng ta phải cầu xin Mẹ Maria trong hết mọi trường hợp, vẫn dạy ta tuyên dương Mẹ là hi vọng của chúng ta: Spes nostra, salve. Mối hi vọng sống đời đời của ta Tôi vẫn đinh ninh rằng: ai quên Thiên Chúa mà đặt tin tưởng vào thụ tạo, thì nhất định sẽ rơi vào lời nguyền rủa, vì chỉ có Thiên Chúa mới là nguyên lý, là chủ ban phát hết mọi ơn lành, và ngoài Chúa ra, thụ tạo chẳng có gì và chẳng thể cho ai cái gì. Nhưng, như tôi đã trình bày ở trên, vì Chúa đã quyết định ban hết mọi ân sủng xuống cho loài người qua tay Mẹ Maria, như qua một kênh dẫn tình thương, cho nên chúng ta có thể và phải cao tiếng tuyên dương Maria là hi vọng chúng ta, bởi phải nhờ Mẹ chúng ta mới lĩnh nhận được các ơn Chúa ban. Bởi thế, thánh Bênađô không ngần ngại nhấn mạnh rằng: “Các bạn thân ái, Mẹ Maria là bảo đảm vĩ đại nhất của tôi, là toàn thể và tất cả nền tảng lòng tôi tin tưởng”. Thánh Gioan Đamát cũng nói: “Lạy Nữ Vương con, con xin đem cả tâm hồn đặt trót hết mọi hi vọng của con nơi Mẹ, và, mắt đăm đăm nhìn lên Mẹ, con chỉ mong đợi có từ tâm Mẹ giải cứu con thôi”. Thánh Tôma cũng tuyên ngôn rằng: “Maria là tất cả mối hi vọng được sống đời đời của chúng ta”, và thánh Ephrem thì than thở: “Ôi Nữ Trinh rất trung tín, nếu Mẹ thương tình giải thoát chúng con, thì xin tiếp nhận chúng con, xin giấu ẩn chúng con vào dưới cánh tình thương của Mẹ, vì ngoài Mẹ ra, chúng con chẳng còn biết hi vọng vào ai để được giải cứu”. Sau cùng, chúng tôi xin trích thêm ra đây lời thánh Bênađô để kết luận chương này. Thánh nhân viết: “Chúng ta hãy khăn khắn một niềm tôn sùng Mẹ chí thánh chúng ta, với tất cả mọi niềm rung động mến yêu, mọi nhịp điệu ân tình của cõi lòng, vì thánh ý Chúa là muốn mọi ơn lành đều được ban cho chúng ta qua tay Mẹ Maria”. “Chúng ta hãy chăm chú tìm ơn thánh, nhưng hãy nhờ Mẹ Maria mà tìm”. Thấy mình thất vọng, thấy mình cần thiết ơn nào, chúng ta hãy thận trọng đến cầu xin Mẹ chí thánh chúng ta; nhờ Mẹ can thiệp, nhất định chúng ta sẽ được như ý sở cầu. Vì thánh Bênađô còn nói: “Nếu chúng ta không xứng lĩnh nhận ơn trợ giúp ta cầu mong, thì đã có Mẹ Maria, Mẹ rất xứng đáng, Mẹ sẽ xin được cho ta”. Chắc chắn như vậy, nên thánh nhân mới gửi tới mỗi người chúng ta lời khuyến khích này: “Nếu bạn không muốn bị Chúa lãnh đạm với, thì khi muốn dâng lên Chúa việc lành nào, lời xin gì, bạn hãy cẩn thận đặt tất cả vào tay Mẹ Maria”. Trớ trêu thay cho số phận Câu truyện sau đây là câu truyện về thầy Thêôphilê mà ai cũng biết (1). Truyện được ghi thuật do đức cha Eutykianô là tổng giáo chủ thành Côntantinôpôli, và là người mắt thấy tai nghe công việc đã xảy ra. Truyện lại được xác nhận do thánh Phêrô Đamianô, thánh Bênađô, thánh Bonaventura, thánh Antôninô và nhiều tác giả khác mà cha Crasset đã biên nhớ (2). Thêôphilê hồi đó là phó giáo chủ tại thánh đường Ađana, trong thành phố Cilicia. Ông được toàn dân quí mến, đến nỗi có ý định bầu ông làm giám mục. Nhưng với đức tính khiêm nhã, ông đã không dám nhận vinh dự đó. Về sau, ông bị vu cáo và phải truất cả chức vụ phó giáo chủ. Quá uất ức vì đau đớn và mù quáng vì bản năng, ông đi tìm một tên phù thủy người Do thái giúp ông đến gặp gỡ quỉ Satan xin hắn cứu ông trong những ngày thất sủng ê chề. Thằng quỉ trả lời là nếu ông muốn được hắn giúp, thì điều kiện trước tiên là ông phải chối bỏ Chúa Giêsu và Đức Maria, rồi phải tự tay viết một bản cam đoan mà trao cho hắn giữ. Thêôphilê làm đủ những điều kiện y như quỉ đòi hỏi. Nhưng oái oăm thay! Ngay hôm sau ngày ông ký bản án giết mình, đức giám mục nhận ra là người ta vu cáo phó giáo chủ, đã xin lỗi ông và lại mời ông giữ nguyên chức cũ. Thế là ông chỉ còn biết có khóc, nhớ đến tội tầy đình mà mình đã phạm, ông cảm thấy bị dày xé tơi bời vì lương tâm cắn rứt. Phải làm thế nào bây giờ? Ông đến một nhà thờ dâng kính Mẹ Maria, quì gối trước tượng Mẹ, khóc như tháo lệ mà kêu van Mẹ: - Không, lạy Mẹ Thiên Chúa, con không dám thất vọng, vì con còn có Mẹ là cùng kế của con, là Mẹ cực kỳ thương cảm tình cảnh của con, và có thể cứu trợ con được. Ông cứ một giọng đó mà rền rĩ nguyện cầu cùng Rất Thánh Đồng Trinh suốt bốn mươi ngày ròng rã. Và một đêm kia, Mẹ tình thương đã thân hiện ra với ông mà bảo: - Thêôphilê, còn muốn gì nữa? Con đã chối bỏ không muốn kết thân với Ta và Con Ta rồi còn gì, mà chối bỏ vì ai? Vì cừu địch ngàn đời con và của Ta. Thêôphilê dâng trình: - Lạy Nữ Vương dịu hiền của con, thế nên bây giờ con xin Mẹ tha tội cho con, và chỉ còn có Mẹ mới xin được Con Mẹ tha tội cho con mà thôi. Thấy ông có lòng tin tưởng như vậy, Đức Trinh Nữ an ủi: - Thế thì con cứ vững lòng, Mẹ sẽ cầu xin Chúa cho con. Được lời như cởi tấm lòng, Thêôphilê tăng bội lòng hối hận, ăn năn và cầu nguyện, không hề rời chân Đức Mẹ tình thương. Mẹ Maria lại hiện ra với ông lần thứ hai, với vẻ mặt tươi cười mà bảo: - Vui lên, Thêôphilê con, Mẹ đã dâng lên Chúa nước mắt và lời cầu thành khẩn của con, Chúa đã thương khứng nhận và tha thứ cho con rồi. Từ nay, con hãy sống cuộc đời tri ân và trung tín. - Nhưng ôi lạy Mẹ, Thêôphilê trả lời, con vẫn chưa được hoàn toàn an ủi. Bản hợp đồng tai hại con đã làm để chối bỏ Con Mẹ và Mẹ, kẻ thù của con vẫn còn nắm giữ, Mẹ có thể bắt nó trả lại cho con không? Một đêm sau đó ba ngày, Thêôphilê thức giấc, và thấy tờ giấy đặt trên ngực mình. Hôm sau, ông đến nhà thờ, sấp mình xuống dưới chân đức giám mục, trước mặt đông đảo quần chúng, vừa khóc thảm thương vừa thuật lại truyện mình. Rồi ông trao bản giao kèo ác đức kia cho đức giám mục. Ngài truyền đốt đi trước mặt toàn dân chứng kiến. Các giáo hữu đều rơi lệ vì vui mừng, tôn vinh lòng Chúa nhân từ và lòng Mẹ thương xót đối với con người trọng phạm đó. Phần Thêôphilê, ông trở về nhà thờ dâng kính Đức Mẹ, ông ở đó suốt ba ngày. Rồi ông từ trần tại đó giữa lúc vui tươi tràn ngập tâm hồn, và giữa lúc ông còn đang tạ ơn Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Mẹ là ánh sáng soi con Lạy Nữ Vương, lạy Mẹ tình thương; là Nữ Vương, Mẹ đem trót tấm lòng đại lượng ban ơn cho tất cả những ai chạy đến cùng Mẹ; là Mẹ tình thương, Mẹ đem hết lòng âu yếm mà ban ơn cho họ. Hôm nay, con đến xin Mẹ thương con, một kẻ vô công thiếu đức, mang nặng những món nợ kếch sù đối với phép công thẳng Thiên Chúa. Ôi Maria, Mẹ nắm giữ chìa khóa kho tàng tình thương của Chúa, xin nhớ con là kẻ nghèo khổ, chớ bỏ rơi con trong cơn quẫn bách bốn bề này. Mẹ từng xử đại lượng với hết mọi người, thường ban xuống nhiều ơn hơn người ta cầu khẩn, xin Mẹ cũng rộng lượng cả với con nữa. Lạy Nữ Vương, xin cho con vào ẩn dưới ơn Mẹ phù trì, con chỉ xin có thế. Nếu Mẹ hộ phù con, thì con không phải sợ gì nữa. Ma quỉ con cũng không sợ, vì Mẹ quyền thế hơn cả hỏa ngục. Tội lỗi con cũng coi thường, vì nếu Mẹ chỉ nói một lời bênh đỡ, thì Chúa liền tha cho con ngay. Vâng, được Mẹ chở che, con cũng chẳng sợ Chúa thịnh nộ con nữa, vì một lời Mẹ xin cũng đủ làm nguôi lòng Người. Tắt rằng, nếu Mẹ phù trì con, thì con hi vọng sẽ được mọi sự vì Mẹ làm được mọi sự. Lạy Mẹ tình thương, con biết Mẹ chỉ thỏa lòng và được vinh dự khi đến giúp đỡ những người rủi vận, và lúc nào Mẹ cũng cứu giúp được họ, bao lâu họ không ngoan cố chấp nê. Con đây cũng là tội nhân, nhưng con không dám ngoan cố nữa, con ước ao cải tạo cuộc đời; vậy xin Mẹ hãy hộ phù con. Ôi! xin Mẹ cứu vớt, giải thoát con đi! Từ hôm nay, con xin trao phó trót mình con trong tay Mẹ. Xin Mẹ phán bảo điều con phải làm để vui lòng Chúa. Con quyết định thi hành lời Mẹ, và con tin chắc con sẽ thành tựu với ơn Mẹ giúp. Ôi Maria, là Mẹ con, là Ánh sáng soi con, là an ủi của lòng con, là nơi con nương ẩn, là hi vọng của con! Amen! Amen! Amen! |